UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”; ngày 24/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1819/KH-UBND thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Cụ thể như sau:
(1) Về Quan điểm
- Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn tình.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp tỉnh.
- Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp phải được lồng ghép vào quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của tỉnh đã được phê duyệt và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
- Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
(2) Về Mục tiêu
- Mục tiêu tổng quát:
+ Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
+ Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phẩn ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
- Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ trên địa bàn tỉnh hoàn thành khoảng 9.800 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 5.600 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 4.200 căn.
(3) Về Giải pháp: Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới nhằm đáp ứng mục tiêu của Đề án, để hoàn thành đầu tư tối thiểu 9.800 căn nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030 cần triển khai một số giải pháp sau:
- Hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2943/QĐ-UBND ngày 01/11/2021; Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1760/QĐ-UBND ngày 19/8/2022, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.
- Lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.
- Có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án. Đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành đầu tư ít nhất 9.800 căn hộ trên địa bàn tỉnh.
- Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách của tỉnh để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
- Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
- Nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
- Đối với các doanh nghiệp:
+ Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến viêc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra của Đề án.
+ Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp thuê.
(4) Về Tổ chức thực hiện: Tại Kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đảm bảo theo tiến độ và nội dung yêu cầu. Giao Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời hướng dẫn giải quyết hoặc tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Ban biên tập Sở Tài chính./.