Sau sự phục hồi nhanh chóng trong ba tháng qua, giá thép cuộn cán nóng đã đạt 700 USD/tấn thiếu vào giữa tháng 11, tăng hơn 50% so với mức thấp nhất vào tháng 8, theo MEPS.
Một số nhà sản xuất tại Mỹ đang có xu hướng báo giá trong khoảng từ 840 - 850 USD/tấn thiếu cho các đơn đặt hàng mới.
Hiện tại, sự mất cân bằng giữa cung và cầu là nguyên nhân chính dẫn đến giá thép tăng cao ở Mỹ. Kể từ đầu năm, các nhà sản xuất thép đã tiến hành cắt giảm sản lượng đáng kể trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Hiệu suất sử dụng công suất tại các nhà máy thép ở Mỹ tiếp tục tăng, hiện ở mức 71,5%, nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kì năm ngoái. Giá thép được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao khi các nhà sản xuất nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Tuy nhiên, rõ ràng là tại thời điểm hiện tại, giá thép của Mỹ về cơ bản đã tách rời khỏi sự tác động của chi phí nguyên liệu và tính thời vụ, hai yếu tố thường có ảnh hưởng mạnh đến giá cả trên thị trường
Còn tại Canada, tình trạng thiếu nguồn cung thép vẫn tiếp diễn khiến giá các sản phẩm thép phẳng nội địa tăng cao vào tháng 11. Do đó, người tiêu dùng ở Canada ngày càng ưa chuộng sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Tình hình thị trường thép trong nước và tỉnh
Giá sắt thép xây dựng cuối tháng 11 đầu tháng 12/2020 sẽ tiếp tục đà tăng từ nay cho đến sát tết âm lịch nguyên nhân do nhu cầu thị trường cuối năm tăng cao qua việc giải ngân đầu tư công cơ sở hạ tầng của chính phủ. Trên thực tế, sản lượng tiêu thụ thép đã cho thấy sự phục hồi đáng kể trong quý III/2020, khi tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 4,6 triệu tấn. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng từ tháng 7/2020 được cho là đã hỗ trợ nhu cầu thép trong quý III, quý IV của 2020 và đầu 2021. Ngoài ra giá thép tăng mạnh còn do nhu cầu nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh, Trung Quốc đã vượt qua ASEAN để trở thành thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020, đạt 2,53 triệu tấn (tăng 1.732% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 36,2% tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ.
Tại thị trường tỉnh Bình Thuận, mới đây, tại Công văn số 488/BC/CP-VLXD-KS ngày 04/12/2020, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và khoáng sản Bình Thuận thông báo giá bán các loại sắt xây dựng với mức tăng từ 1,4% - 2,16% (tùy loại) so với thời điểm trước đó. Mức giá cụ thể như sau:
- Sắt phi 6 Việt Nhật: 14.900 đồng/kg (+300 đồng/kg);
- Sắt phi 8 Việt Nhật: 14.900 đồng/kg (+300 đồng/kg);
- Sắt phi 10 Việt Nhật: 102.500 đồng/cây (+2.000 đồng/cây);
- Sắt phi 12 Việt Nhật: 146.500 đồng/cây (+3.100 đồng/cây);
- Sắt phi 14 Việt Nhật: 199.500 đồng/cây (+4.000 đồng/cây);
- Sắt phi 16 Việt Nhật: 260.500 đồng/cây (+5.000 đồng/cây);
- Sắt phi 18 Việt Nhật: 329.500 đồng/cây (+6.500 đồng/cây);
- Sắt phi 20 Việt Nhật: 407.000 đồng/cây (+8.000 đồng/cây);
- Sắt phi 22 Việt Nhật: 491.500 đồng/cây (+9.000 đồng/cây);
- Sắt phi 25 Việt Nhật: 640.500 đồng/cây (+13.000 đồng/cây)…
Thời gian áp dụng mức giá này từ ngày 07 tháng 12 năm 2020.
Ban Biên tập Sở Tài chính./.