Thực hiện Kết luận số 1282-KL/TU, ngày 22/01/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống Nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Thực hiện Kết luận số 1282-KL/TU, ngày 22/01/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống Nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn số 956/UBND-KGVXNV ngày 13/3/2025, triển khai thực hiện. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 12-NQ/TU đề ra. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, trong đó tập trung 9 nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo về nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đối với sự ổn định và phát triển của địa phương. Trong quá trình xây dựng các chính sách phải lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và chăm lo hạnh phúc của Nhân dân.
2. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và Nhân dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tập trung thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh, các dự án có sức lan tỏa, giải quyết nhu cầu thiết yếu, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.
3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện tốt chính sách đổi mới công nghệ - thiết bị, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo năng suất và giá trị gia tăng cao.
4. Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức. Tăng cường công tác cải cách hành chính. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cho người dân và doanh nghiệp, tập trung giải quyết những tồn đọng, hạn chế, kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân.
5. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, chú trọng hỗ trợ học nghề cho lao động thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nông thôn và lao động thất nghiệp, thiếu việc làm; tăng cường đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… để giúp người lao động thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động theo yêu cầu.
6. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thiết chế văn hóa đã có chương trình, kế hoạch thực hiện gắn với tăng cường xã hội hóa phát triển hạ tầng văn hóa. Khuyến khích phát triển phong trào thể dục thể thao ở cơ sở; tăng cường thu hút, tạo điều kiện xã hội hóa các sự kiện, giải đấu thể thao.
7. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện công tác chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ cho người thụ hưởng.
8. Tiếp tục xây dựng hệ thống y tế theo hướng dễ tiếp cận, công bằng, chất lượng, bảo đảm mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết tại các cơ sở y tế theo Đề án phát triển ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 và một số đề án, nghị quyết khác của các cơ quan có thẩm quyền; quan tâm đúng mức công tác y tế dự phòng.
9. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 34- CT/TW, ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương. Thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là thực hiện việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng hiện nay đang gặp khó khăn về nhà ở, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở; phấn đấu đến cuối năm 2025, hoàn thành mục tiêu xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kết luận số 1282-KL/TU, ngày 22/01/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV).
Ban biên tập Sở Tài chính./.