Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Anh (01/12/1920 – 01/12/2020) - Nguyên Chủ tịch Nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Lượt xem: 808

Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hoà, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 01/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế; quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Năm 1937, Đồng chí tham gia phong trào dân chủ ở huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tháng 5/1938, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó được tổ chức phân công phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.

Đồng chí giữ các chức vụ từ trung đội trưởng đến chính trị viên Trung đoàn; Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8 và Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ;  Cục phó Cục Tác chiến và Cục trưởng Cục Quân lực; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tháng 5/1976, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9; tháng 6/1981, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980, Đại tướng năm 1984.

Tháng 12/1986, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1987, là Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12/1997.

 

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến người dân nô lệ mất nước sống cơ cực dưới chế độ thực dân, phong kiến, đã hun đúc trong đồng chí Lê Đức Anh lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng. Từ khi còn nhỏ, dịch đậu mùa đã làm một bên mắt bị mờ và một bên chân bị yếu cho đến tận sau này, nhưng ý chí và nghị lực mạnh mẽ đã thôi thúc Đồng chí hăng hái tham gia hoạt động cách mạng và đi suốt các cuộc chiến tranh của dân tộc.

Năm 18 tuổi, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Cuối năm 1938, đầu năm 1939, thực dân Pháp thẳng tay khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng; nhiều đảng viên và người yêu nước bị bắt. Tháng 10/1939, thực dân Pháp tiến hành khủng bố ở Thừa Thiên, hầu hết các đảng viên huyện Phú Vang bị bắt. Để bảo toàn lực lượng theo chủ trương của tổ chức cộng sản, Đồng chí đã bí mật rời quê hương vào Đà Lạt hoạt động và sớm tìm đến với tổ chức cách mạng.

Đồng chí đã trực tiếp giác ngộ hàng trăm phu cao su Lộc Ninh, tuyển chọn và kết nạp được bốn người, thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên do Đồng chí làm Bí thư Chi bộ. Theo chỉ thị của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Chi bộ Lộc Ninh khẩn trương gây dựng, phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và Nhân dân vùng Hớn Quản. Ngày 23/8/1945, đồng chí Lê Đức Anh đã lãnh đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản và Bù Đốp khởi nghĩa thành công, sau đó kéo quân về hợp điểm giành chính quyền ở tỉnh lỵ đêm 24 rạng sáng 25/8/1945.

 

Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với bao khó khăn, thử thách, đã tôi rèn đồng chí Lê Đức Anh trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, để suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân.

 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6/1991), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (9/1992), Đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều công lao, cống hiến to lớn với nhiều dấu ấn nổi bật cả về đối nội và đối ngoại.

+ Về đối nội:

Chủ tịch nước Lê Đức Anh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã dồn hết tâm lực cho công việc với quyết tâm và cố gắng cao nhất, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy mọi động lực mới, khai thác mọi tiềm năng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân.

Cùng với việc phấn đấu hoàn thành các công việc về công tác xây dựng pháp luật, công tác cán bộ, công tác tiếp dân, công tác thi đua - khen thưởng..., Chủ tịch nước Lê Đức Anh thường tận dụng quỹ thời gian của mình đến các địa phương để nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, nhìn rõ những thuận lợi cần khai thác, những khó khăn cần tháo gỡ. Đặc biệt sau khi đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý, Đồng chí đã ký Lệnh số 36L/CTN, ngày 10/9/1994 công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng.

+ Về đối ngoại:

Thấu suốt đường lối đối ngoại của Đảng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực đối ngoại của đất nước, nổi bật là việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy Việt Nam gia nhập ASEAN. Bằng những nỗ lực của hai bên, sáng 12/7/1995 (theo giờ Việt Nam), hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Tháng 10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc; đồng chí trở thành Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Mỹ. Cùng với xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995.

Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. Sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, hàng loạt các quốc gia tìm đến Việt Nam để tìm hiểu và hợp tác, đầu tư về kinh tế và khoa học công nghệ. Cũng trong nhiệm kỳ này, thay mặt Nhà nước và Nhân dân ta, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đi dự một số hội nghị quốc tế quan trọng; thăm chính thức và làm việc với 13 nước trên thế giới; đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt Nam và cử 57 đại sứ của nước ta tại các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; ký quyết định phê chuẩn 1 Hiến chương, 26 Công ước, 5 Hiệp ước, 35 Hiệp định, 3 Nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế; trình Quốc hội phê chuẩn 1 Công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật biển); ủy quyền đàm phán và ký kết một số điều ước quốc tế khác.

 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân; đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định, “là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.

 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta

 (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương).

Ban Biên tập Sở Tài chính./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI CHÍNH BÌNH THUẬN 

 
Địa chỉ : 400 Đại lộ Võ Văn Kiệt – Thành phố Phan Thiết – Tỉnh Bình Thuận 
Số điện thoại : 0252.3828469. Fax: 3821656 
Email : stc@binhthuan.gov.vn. 
Designed by VNPT

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang