Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 năm 2021 của tỉnh Bình Thuận
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 về việc hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1); Căn cứ kết quả thực hiện trên địa bàn, Sở Tư pháp Bình Thuận đã tổng hợp báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 năm 2021 của tỉnh Bình Thuận. Cụ thể như sau:
I. Kết quả thực hiện năm 2021
1.Chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1
Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 20/01/2021 về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Kế hoạch số 2416/KH-UBND ngày 05/7/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Bình Thuận năm 2021; Công văn số 1851/UBND-NCKSTTHC ngày 28/5/2021 về việc hướng dẫn triển khai nhiệm cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số B1 năm 2021.
Theo đó, các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các Kế hoạch, Công văn chỉ đạo, triển khai thực hiện và tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 của từng lĩnh vực góp phần nâng cao chỉ số B1.
2. Về xây dựng, hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật
- Các Sở, ngành đã ban hành các Kế hoạch về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời phát hiện văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với quy định cấp trên và tình hình thực tế của địa phương để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tham gia góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành có liên quan đến doanh nghiệp.
- Ngày 29/01/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 361/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) năm 2021 trên địa bàn tỉnh; theo đó, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu tiến hành rút ngắn 99 thủ tục hành chính của cả tỉnh (62 TTHC cấp tỉnh, 18 TTHC cấp huyện, 19 TTHC cấp xã) tại Quyết định số 3043/QĐ-UBND ngày 09/11/2021; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương rà soát đánh giá sự phù hợp của TTHC để triển khai thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1732/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 về phê duyệt 139 dịch vụ công trực tuyến (59 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 80 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) triển khai trong năm 2021.
3. Về tổ chức thi hành pháp luật
- Các Sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tổ triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp; Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp; Tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật và khen thưởng trong tổ chức thực thi và tuân thủ pháp luật.
- Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính đã được một số kết quả tiêu biểu sau:
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ bưu chính, bưu chính công ích trong giải quyết TTHC đặc biệt là đẩy mạnh công tác hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp và người dân tích cực thực hiện giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến mức độ 3 và 4 nhằm tiết kiệm chi phí tuân thủ pháp luật, tiết kiệm thời gian đồng thời góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức trong kiểm soát thủ tục hành chính; nâng cao các chỉ số điều tra xã hội học, khảo sát lấy ý kiến tổ chức cá nhân về sự hài lòng trong giải quyết TTHC; tuyên truyền, phổ biến nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm bảo đảm quyền lợi của nhân dân, quyền chủ động của các tổ chức, cá nhân trong việc nộp hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính của mình.
+ Năm 2021, triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho 17/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (trừ Thanh Tra tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh), 10/10 đơn vị cấp huyện và 124/124 đơn vị cấp xã với tổng số 498/1.758 thủ tục hành chính trên toàn tỉnh (gồm 239 DVC mức độ 3, 259 DVC mức độ 4) được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đi vào hoạt động đã cho phép người dân và doanh nghiệp dễ dàng nộp hồ sơ trực tuyến, tự tra cứu và biết được tình trạng giải quyết TTHC của mình mà không phải đến tận nơi cơ quan giải quyết. Đồng thời, người dân và doanh nghiệp có thể giám sát chất lượng các dịch vụ công một cách công khai, minh bạch, thông qua phản hồi, đánh giá quá trình giải quyết TTHC của mình. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh giúp cải tiến, nâng cấp và đơn giản hóa quy trình giải quyết TTHC, nhằm từng bước cải thiện sự phục vụ người dân và doanh nghiệp với chất lượng và hiệu quả tốt nhất; tiết kiệm được chi phí do tập trung quản lý tại một hệ thống duy nhất.
+ Các Sở, ngành và địa phương chủ động thực hiện công bố kịp thời, đầy đủ các TTHC tại trụ sở làm việc, trên Trang thông tin điện tử; niêm yết công khai tại trụ sở các TTHC mới, TTHC đã được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung trong các lĩnh vực. Tăng cường công tác cải cách TTHC, tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân; đề xuất loại bỏ những thủ tục không cần thiết, gây phiền hà, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng quy định; hàng năm các sở, ngành đều khảo sát chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Ngoài ra, các công chức phụ trách tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả cũng thường xuyên cập nhật các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến các TTHC nhằm giải thích, hướng dẫn cụ thể giảm thời gian đi lại cho người dân trong quá trình tìm hiểu, nộp hồ sơ TTHC.
II. Một số khó khăn, vướng mắc
Nhìn chung, các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện khá tốt những giải pháp có liên quan nhằm góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; điều này được thể hiện bằng nhiều chính sách và hành động cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh là bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như sau:
1. Những khó khăn, vướng mắc
- Việc đánh giá hiệu quả thực hiện đối với chỉ số tuân thủ pháp luật hiện vẫn chưa được cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật; do đó, các cơ quan chưa đánh giá chính xác được các giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
- Một số doanh nghiệp chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan trong việc phản ánh, kiến nghị đối với những hành vi tiêu cực của công chức, viên chức; cũng như những kiến nghị đối với cơ quan quan có thẩm quyền những giải pháp để nâng cao chất lượng, giảm các chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.
- Tập trung cải cách TTHC bằng việc bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, trùng lắp; đơn giản yêu cầu hồ sơ, giấy tờ; giảm tần suất thực hiện thủ tục… là cần thiết và đúng chủ trương của Nhà nước, nguyện vọng của tổ chức, cá nhân làm thủ tục. Tuy nhiên, về cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đã phần nào ảnh hướng đến chất lượng giải quyết công việc, tạo áp lực cho công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
2. Nguyên nhân
- Việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp chủ yếu lồng ghép trong các cuộc kiểm tra doanh nghiệp.
- Mức độ quan tâm, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của các tổ chức và người dân chưa cao; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là khu vực nông thôn. Đồng thời, các dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế trong quá trình khai thác, sử dụng; đặc biệt là dịch vụ công mức độ 3, 4 khiến quá trình sử dụng của người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhận thức của các chủ doanh nghiệp về các quy định của pháp luật chưa cao; việc vận dụng pháp luật vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành của một số doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan quá nhiều nên các doanh nghiệp khó tiếp cận và mất nhiều thời gian để nghiên cứu.
III. Đề xuất và kiến nghị
Trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng ... còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn nên trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật còn nhiều khó khăn, vướng mắc; do đó, đề nghị các Bộ, ngành quan tâm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, đồng bộ giữa các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Ban Biên tập Sở Tài chính./.