Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số Xanh (PGI) tỉnh Bình Thuận năm 2024
Để cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực cải cách hành chính và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành của tỉnh, tiếp tục duy trì và nâng cao xếp hạng chỉ số PCI và PGI của tỉnh Bình Thuận năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2484/KH-UBND ngày 04/7/2024 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số Xanh (PGI) tỉnh Bình Thuận năm 2024 với những nội dung cụ thể sau:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các sở, ngành, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PCI, chỉ số PGI và trách nhiệm trong việc nâng cao thứ bậc xếp hạng của tỉnh, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp với mục tiêu xuyên suốt là “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”
2. Triển khai kịp thời các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI và PGI ngay trong năm 2024, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp cải thiện rõ hơn môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tiếp tục duy trì xếp hạng chỉ số PCI và PGI của tỉnh Bình Thuận năm 2024 bằng hoặc cải thiện hơn năm 2023 về chất lượng điều hành.
3. Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển của cả nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; giảm chi phí đầu vào, chi phí gia nhập thị trường và đào tạo lao động cho doanh nghiệp, chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tăng số lượng doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp
4. Đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai thực hiện danh mục dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình và danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thông qua việc rà soát, tăng số lượng thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, hạn chế để người dân và doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cơ quan Nhà nước, góp phần loại bỏ chi phí không chính thức, ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt, góp phần giữ chân được doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
5. Thực hiện có hiệu quả, đồng bộ về các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả thông qua việc hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2024 – 2026.
6. Triển khai đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp bảo vệ môi trường; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm nóng có nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải, chất thải theo quy định.
Ban biên tập Sở Tài chính./.