Báo cáo tình hình giá cả thị trường trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 09/01/2024 của Bộ Tài chính về việc Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; Công văn số 335/UBND-TH ngày 26/01/2024 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc triển khai Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 09/01/2024 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác tác quản lý và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình giá cả thị trường trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như sau:
Theo Kế hoạch số 5024/KH-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2023 về việc dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhằm góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết trên địa bàn tỉnh nhiều tổ chức, doanh nghiệp như chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, chuỗi siêu thị Co.op Mart, Công ty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - chi nhánh Bình Thuận, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan, chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ, Trung tâm Dịch vụ miền núi - Ban Dân tộc tỉnh…đã tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu theo kế hoạch bình ổn thị trường, các mặt hàng thiết yếu như: gạo tẻ, nếp tẻ, mì gói, đường, dầu ăn, nước mắm, thịt các loại, sữa, rau củ quả, bánh kẹo, nước giải khát và một số mặt hàng khác như: trứng, gia vị, bột ngọt, muối… với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý nhằm khuyến mãi hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nên được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế ảnh hưởng chung, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn, sức mua năm nay đến những ngày gần giáp Tết nhưng vẫn chưa nhiều, giá cả cũng không có sự thay đổi nhiều so với Tết Quý Mão năm 2023.
Nhìn chung, tình hình giá cả hàng hóa dịch vụ những ngày trước, cận Tết Giáp Thìn năm 2024 ổn định, không có hiện tượng khan hàng, sốt hàng tăng giá, do nguồn cung dồi dào, phong phú, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu thiết yếu được bình ổn giá (gạo, dầu ăn, đường, thịt, thực phẩm chế biến, trứng, rau củ quả); tuy nhiên sáng ngày 29 Tết và ngày 30 Tết, giá các mặt hàng trái cây, hoa cắm bình, hoa chậu các loại giảm từ 20% - 25% do sức mua giảm. So với Tết Quý Mão năm 2023 thì mặt bằng giá cả hàng hóa vẫn ổn định, riêng về giá mặt hàng lương thực Tết Nguyên đán năm 2024 tăng từ 3.000 đồng – 5.000 đồng/kg tùy loại gạo so với Tết năm trước (mức tăng giá do ảnh hưởng của tình hình xuất khẩu gạo).
Sau Tết, các siêu thị Co.opmart, Trung tâm thương mại Lotte, các cửa hàng tiện lợi đã mở cửa bán hàng, các chợ truyền thống trên toàn tỉnh bắt đầu hoạt động trở lại (mở bán buổi sáng từ ngày Mùng 2 Tết), chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống; nhu cầu mua sắm sau Tết (Mùng 2 Tết, Mùng 3 Tết) của người dân chưa nhiều, giá các mặt hàng nhìn chung ổn định và lượng cung đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có sự tăng giá ở các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Cụ thể tình hình giá cả thị trường trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (có bảng phụ lục giá hàng hóa kèm theo).
Ban biên tập Sở Tài chính./.